Trong những năm qua, thành phố đã hoàn thành việc chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường qua các công trình như hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ thống kênh rạch Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm… Hệ thống nhà ở trên kênh rạch vừa ngăn cản dòng chảy vừa là tác nhân trực tiếp và lớn nhất gây ô nhiễm đã bị xóa bỏ trên hàng trăm cây số kênh rạch ở thành phố. Dòng chảy được khơi thông, cá và các loại sinh vật đã có thể bắt đầu sinh sống, môi trường xanh bước đầu được khôi phục, diện mạo đô thị hai bên bờ kênh rạch đã được cải tạo, chỉnh trang.
Đặc biệt là thành phố ta đã hoàn thành đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930ha và đô thị mới Thủ Thiêm. Ở cả hai đồ án này, yếu tố đặc thù sông nước của Sài Gòn - TP.HCM đã được làm rõ. Dòng sông Sài Gòn là dòng sông cảnh quan, có hành lang xanh được bảo vệ ở hai bên bờ sông. Chiều cao công trình được quy hoạch thấp dần về phía bờ sông. Việc khai thác mặt nước vừa là cảnh quan, giao thông vừa là yếu tố điều tiết khí hậu đã được tính toán cụ thể một bước.
Về việc thực hiện quy hoạch đường thủy, ta đã thực hiện di dời cảng biển như Tân Cảng, Nhà Rồng, Khánh Hội. Cùng với đó là nạo vét, cải tạo luồng, rạch cho sông Lòng Tàu, Soài Rạp đồng thời làm mới và nâng cấp cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước để phục vụ di chuyển các cảng trong nội thành và đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của khu vực, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, cơ sở sản xuất ven sông Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp.
Luồng tàu sông thì tập trung cải tạo, nâng cấp các tuyến từ thành phố đi liên tỉnh như Cà Mau, Kiên Lương, Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa…
Sở Giao thông vận tải và Sở Du lịch đang nghiên cứu quy hoạch hệ thống bến tàu đế phát triển du lịch, vận tải đường sông, hình thành hệ thống đường thủy. Theo đó, đường thủy nội đô sẽ xây dựng bến tàu khách tại trung tâm khu vực bến Nhà Rồng - Khánh Hội. Theo các công việc đã được công bố, ta đã, đang và sẽ nghiên cứu xúc tiến xây dựng bến ca nô, tàu khách tại Cần Giờ phục vụ du lịch và khai thác tuyến Vũng Tàu - Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh; xây dựng mới cảng Phú Định trên địa bàn phường 16, quận 8; quy hoạch bến tàu khách trên sông Sài Gòn gần rạch Thị Nghè.
Tóm lại, điều kiện tự nhiên của thành phố có đầy đủ sự thuận lợi của hệ thống giao thông đường thủy. Hiện nay, đã bắt đầu xuất hiện du khách thuê tàu ghe đi du lịch ngược sông Sài Gòn lên Bến Dược, Bến Đình (Củ Chi). Ở quanh khu vực quận 2, quận 7, quận 1, ta đã thấy xuất hiện một số bến tàu tư nhân với các ca nô, du thuyền loại nhỏ. Dịch vụ du lịch đường sông đã xuất hiện. Những cuộc thi đua thuyền đã xuất hiện ở kênh Bến Nghé…
Trong tương lai không xa, người dân Sài Gòn và du khách có thể tham quan thành phố Hồ Chí Mình bằng ghe tàu trên hệ thống sông rạch đã và đang được quy hoạch xây dựng. Không những vậy, hệ thống đường thủy còn có thể kết nối với nhiều địa phương khác tạo điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa...
Tuy nhiên, những điều đó chưa xứng với tiềm năng và nhu cầu trong thực tế.
Sài Gòn từng có thời trên bến dưới thuyền, tàu thuyền và đường thủy từng có thời là phương tiện và con đường vận tải chủ lực kết nối với các địa phương khác.
Lẽ dĩ nhiên, hiện nay, trừ cảng biển, đường thủy trên sông rạch ở thành phố chỉ còn đáp ứng một phần nhu cầu vận tải hàng hóa. Nhưng tiềm năng về du lịch là rất lớn. Muốn biến tiềm năng này thành hiện thực thì còn rất nhiều việc phải tiến hành đồng bộ.
Trước hết, về phía chính quyền, cần hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống bến bãi và đặc biệt quan trọng là kết nối bến bãi với hệ thống giao thông trên bộ. Bến tàu phải thuận tiện với kết nối xe buýt trên cạn. Bến tàu phải có đủ chỗ đậu xe hơi thì mới có thể thu hút du khách. Ngành du lịch cũng phải nhanh chóng xây dựng được các điểm đến đặc sắc, chương trình tour đường sông có sức hấp dẫn. Tiềm năng phát triển tour đường sông còn nhiều. Đi dọc kênh Bến Nghé về phía bến Bình Đông là quá khứ “trên bến dưới thuyền” một thời của Sài Gòn, con đường chính yếu vẫn chuyển hàng hóa từ miến tây lên thời xa xưa. Ngược sông Sài Gòn lên Củ Chi là tuyến tham quan các điểm du lịch lịch sử hấp dẫn… Xung quanh thành phố có thể là tuyến tham quan Thanh Đa, tuyến về quận 9… Đó là những công việc mà Nhà nước cần giữ vai trò định hướng, là nhà đầu tư chính.
Về việc phát triển hệ thống vận tải, xây dựng hạ tầng bến bãi, theo tôi, cần làm tốt chính sách xã hội hóa. Đó là cơ chế chính sách thu hút tư nhân tham gia đầu tư hệ thống tàu chở khách, các điểm dừng chân…
Hy vọng trong môt tương lai không xa, đường thủy sẽ có bước phát triển mới, xứng với tiềm năng, khai thác được đặc thù sông nước của thành phố, làm sống lại cảnh “trên bến dưới thuyền” đã một thời góp phần tạo nên hình ảnh của thành phố “hòn ngọc Viễn Đông”.