Chủ tịch Quỹ Ellen MacArthur
Để đạt được mục tiêu zero phát thải ròng, các nhà thiết kế và thương hiệu phải vượt ra khỏi việc tái chế và tập trung vào thực hiện những thay đổi lớn hơn ở cấp độ hệ thống để giúp thế giới chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày nay, Trái đất đang phải gồng mình tương đương 1,6 năng lực của chính nó mỗi năm để cung cấp nguồn tài nguyên và hấp thụ chất thải của chúng ta. Nghĩa là hành tinh phải mất 20 tháng để tái tạo những gì chúng ta sử dụng trong một năm.
Giống như các khoản nợ tài chính tăng dần có thể dẫn đến phá sản, khi chúng ta rút quá nhiều “cổ phiếu” từ môi trường tự nhiên mà không đảm bảo và khuyến khích sự phục hồi của nó, hệ sinh thái địa phương, khu vực và cuối cùng là toàn cầu sẽ có nguy cơ sụp đổ. Với thực tế này, nền kinh tế tuần hoàn là một phương kế để giải quyết vấn đề. Chỉ có cách tách tăng trưởng kinh tế ra khỏi việc tiêu thụ các nguồn tài nguyên hữu hạn, chúng ta mới cứu được sự quá tải của trái đất. Phải làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Vai trò của thiết kế
Cách đầu tiên, và quan trọng, là thiết kế lại các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp (DN) phải cố gắng chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ chỗ bị khóa chặt trong một hệ thống xử lý chất thải sang một hệ thống loại bỏ chất thải, luân chuyển sản phẩm và vật liệu, tái tạo thiên nhiên.
Nền kinh tế tuần hoàn cung cấp cho chúng ta một khuôn khổ có thể giúp giải quyết những thách thức toàn cầu lớn nhất cùng một lúc. Và hai năm qua đã chứng kiến sự đổi mới, thiết kế tuần hoàn đang gia tăng nhanh chóng, xuất hiện khá nhiều ở mọi nơi. Trên khắp thế giới, ngày càng nhiều DN sử dụng nền kinh tế tuần hoàn để thay đổi cách thức hoạt động và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề biến đổi khí hậu, mất đi sự đa dạng sinh học, vấn đề chất thải và ô nhiễm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tập trung ngăn chặn chất thải trước khi nó được tạo ra. Các nhà thiết kế phải đi xa hơn là chỉ đơn giản suy nghĩ lại về cách tạo ra các sản phẩm đơn lẻ, họ cần cân nhắc toàn bộ hệ thống bao quanh chúng. Điều này bao gồm các mô hình kinh doanh, cách thức mà khách hàng tiếp cận sản phẩm và điều gì xảy ra với những sản phẩm đó khi chúng ta không còn sử dụng chúng, để có thể giữ lại vật liệu trong hệ thống càng lâu càng tốt.
Kéo dài vòng đời sản phẩm
Một số ví dụ mạnh mẽ về các nhà thiết kế và các công ty lớn đổi mới vì một tương lai tuần hoàn được nêu trong nghiên cứu gần đây của Quỹ Ellen MacArthur, nghiên cứu tập trung vào việc xem xét lại các mô hình kinh doanh cho ngành công nghiệp thời trang đang phát triển mạnh.
Nghiên cứu cho thấy, bằng cách tối đa hóa tiềm năng của các tác động lên kinh tế và môi trường, mô hình kinh doanh tuần hoàn trong các lĩnh vực như cho thuê, bán lại, làm lại và sửa chữa có khả năng chiếm đến 23% thị trường thời trang toàn cầu vào năm 2030 và nắm bắt một cơ hội trị giá 700 tỷ USD.